Tràn khí phúc mạc (Pneumoperitoneum) là hiện tượng có khí tự do trong ổ phúc mạc. Các nguyên nhân chính:
- Thủng ổ loét dạ dày-tá tràng.
- Thủng ruột thừa/túi thừa viêm.
- Sau phẫu thuật.
- Chấn thương.
Ở tư thế đứng, khí tự do trong phúc mạc sẽ tụ dưới hoành, tạo hình liềm khí dưới hoành. Đây là hình sáng, dạng hình liềm nằm giữa gan-dạ dày và cơ hoành. Liềm khí có thể ở một hoặc hai bên. Liềm khí dưới hoành thấy được khi lượng khí khoảng 20-50 ml; thấy rõ khoảng 6-8 giờ sau thủng và thấy trong 60% trường hợp.
Hình 1: Liềm hơi dưới hoành hai bên.
Cần phân biệt:
- Túi khí dạ dày: Độ dày từ phần khí trong túi khí dạ dày đến đáy phổi dày hơn độ dày của cơ hoành trong tràn khí ổ bụng.
- Mô phổi bình thường nằm giữa đáy phổi và cung sườn sát với trên đáy phổi.
- Hội chứng Chilaiditi: Ruột (thường là đại tràng) nằm giữa gan và cơ hoành.
Hình 2: Hội chứng Chilaiditi.
Dấu Rigler: còn gọi là dấu thành đôi. Bình thường chỉ thấy rõ thành trong của ruột. Khi có tràn khí phúc mạc, khí tự do bao bọc xung quanh các quai ruột kết hợp với khí trong lòng ruột làm nổi bật lên được thành ruột, nên trên x-quang thấy được thành trong và ngoài của ruột.
Hình 3: Tràn khí phúc mạc. Các quai ruột được bao quanh bởi khí (vùng tô màu). Vòng tròn trắng đánh dấu vị trí nhìn rõ dấu hiệu Rigler nhất. Vòng tròn nét đứt chỉ vị trí quai ruột xuất hiện bình thường.
Khí quanh gan: Đường bờ của gan có thế dễ dàng quan sát thấy khi có khí tự do bao quanh. Bình thường gan được bao quanh bởi mỡ phúc mạc. Khi có tràn khí phúc, gan được bao xung quanh bởi khí tạo tương phản giúp quan sát được đường bờ gan.
Hình 4: Tràn khí phúc mạc lượng lớn. Phim bên phải được tô màu xanh vùng khí tự do nhìn rõ nhất. Ở các đoạn thấy rõ dấu hiệu Rigler, các quai ruột được tô màu nâu. Vòng tròn trắng đánh dấu vị trí nhìn rõ dấu hiệu Rigler nhất. Đường viền trắng đánh dấu dấu hiệu khí quanh gan.
Dấu hiệu dây chằng liềm: Dây chằng liềm là dây chằng nối gan với thành bụng trước (di tích của tĩnh mạch rốn). Bình thường ta không nhìn thấy trên phim, nhưng khi có khí tự do dây chằng liềm có thể thấy được trên phim ở tư thế nằm ngửa.
Hình 5: Bệnh nhi tràn khí phúc mạc với dấu hiệu Dây chằng liềm (mũi tên) và dấu hiệu Rigler (khoanh tròn).
Tài liệu tham khảo:
1. Bài giảng Chẩn đoán X quang - PGS. TS. Phạm Ngọc Hoa, Ths. Lê Văn Phước.
2. Abdominal X-rays for Medical Students - Christopher Clarke, Anthony Dux.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét